Bệnh cầu trùng ở chim cút

Nguyên nhân bệnh
Bệnh do ký sinh trùng đơn bào thuộc giống Eimeria gây ra.

Bệnh thường xảy ra trên cút giai đoạn 5 đến 15 ngày tuổi.

Chim cút trưởng thành và cút đẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên thể nhẹ ít gây chết, cút đẻ giảm đẻ.

Đường lây truyền:

Bệnh lây qua đường tiêu hóa. Chim cút bị bệnh hoặc chim cút đã khỏi bệnh nhưng ở thể mang trùng bài thải trứng cầu trùng theo phân ra ngoài làm lây lan dịch bệnh; trứng cầu trùng nhiễm qua đường thức ăn, nước uống, trứng cầu trùng sẽ đi vào ruột và gây bệnh. Cút bệnh bị rối loạn tiêu hóa, tổn thương các tế bào ruột, làm cho chim không hấp thu được dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, giảm hiệu quả chuyển hóa thức ăn, giảm tăng trọng; cầu trùng xâm nhập vào các lớp tế bào ruột, phá vỡ mạch máu gây xuất huyết nặng nên phân chim cút mắc bệnh cầu trùng có lẫn máu hoặc phân sáp.

Triệu chứng
Bệnh cầu trùng phát triển tương đối nhanh, thời gian nung bệnh 4 – 8 ngày. Chim cút bỏ hoặc giảm ăn uống, giảm tăng trọng hoặc sụt cân nhanh chóng.

Phân chim cút mắc bệnh có máu hoặc chất nhầy.  Lông xù, phân có lẫn máu tươi hoặc màu xám đôi khi có lẫn bọt.

Bệnh tích
Phần ruột non và 2 manh tràng (nhất là đoạn cuối của 2 manh trành) có những đoạn phình to nhìn ngoài thấy đen, mổ ra có máu.

Chẩn đoán
Kiểm tra phân tìm noãn nang của cầu trùng. Sau đó quan sát hình dạng của noãn nang cầu trùng; nuôi cấy noãn nang, theo dõi các giai đoạn phát triển và mổ khám chim cút xác định vị trí ký sinh của cầu trùng trong hệ thống tiêu hóa để định loại loài cầu trùng ký sinh.

Phòng, trị bệnh
Sử dụng phác đồ:

Phác đồ 1:

Toltrazuril + Gluco K+C

Phác đồ 2:

Diclazuril + Gluco K+C

Phác đồ 3:

Amprolium + Gluco K+C

Trong quá trình điều trị kết hợp thêm các sản phẩm tăng cường chức năng gan thận.

Sau điều trị bổ sung thêm men tiêu hoá giúp ổn định hệ vi sinh vật đường ruột.